Cuốn sách “Chuyện người Hà Nội” do nhà nghiên cứu, nhà văn Trần Văn Mỹ chủ biên, với sự tham gia tâm huyết của các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Với 79 bài viết, cuốn sách hội tụ nhiều câu chuyện về những con người thanh lịch, những việc làm tử tế, thấm đẫm tình người và nét văn hóa của đất Kinh kỳ.
“Chuyện người Hà Nội” dày 284 trang, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, gồm 79 bài viết của 17 tác giả, đa phần là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Trong đó, người cao tuổi nhất đã ngoài 90, như cụ Nguyễn Ngọc Châu và Đặng Thiêm; người ít tuổi nhất có nhà báo Đặng Thủy. Có những tác giả đóng góp nhiều bài viết, như tác giả Trần Văn Mỹ với 22 bài; tác giả Đặng Thiêm với 21 bài; tác giả Nguyễn Tọa với 8 bài; tác giả Bùi Xuân Đính với 6 bài…
Cuốn sách tập hợp nhiều chuyện người thật, việc thật từ chính sử, từ tộc phả dòng họ, chuyện lưu truyền trong dân gian, có không gian, thời gian cụ thể. Nội dung về những người Hà Nội thanh lịch cùng những việc tử tế rất đáng học tập và noi theo. Như những trang đầu cuốn sách nêu: “Mỗi chuyện một nội dung, một hình vẻ và phong cách thể hiện nhưng đều trân trọng và yêu kính từ vua quan đến thứ dân mà mỗi việc làm nhân hậu, tử tế… của họ là gốc nở thêm vẻ thanh lịch, hào hoa của người Thăng Long – Hà Nội”.
Sức hấp dẫn của “Chuyện người Hà Nội” không phải là lời văn hoa mỹ, cũng không phải là cốt truyện ly kỳ. Toàn bộ các bài viết đều là những câu chuyện cô đọng và dung dị, kể về sự ăn ở, lối ứng xử giữa người với người trong gia đình hay giữa những người không quen nhưng đầy yêu thương và ân tình. Có thể kể đến bài “Khổ học thành tài”, “Bát cơm gắp cá trả ơn thầy” về gương học tập, phấn đấu của người học trò Nguyễn Duy ở làng Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) và ông Kiều Phú (sinh năm 1446) ở huyện Quốc Oai. Gia đình các ông đều nghèo nhưng ai cũng quyết chí học hành, đều thành đạt và được người đời nể trọng. Kiều Phú được thầy giáo Nguyễn Trực giúp đỡ, sau đỗ tiến sĩ, rồi làm quan.
Ông không quên ơn thầy khi xưa, đã tậu hàng mấy chục mẫu ruộng biếu thầy để thầy và trò cấy lúa, thả cá, có thêm điều kiện giúp đỡ học trò nghèo khác. Chuyện “Người lập làng Đan Thê” kể về ông Phạm Trấn, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên) năm 1556 triều Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến Đông Các đại học sĩ. Sau khi cáo quan về dạy học, chứng kiến cảnh dân vạn chài lênh đênh sông nước, con cái không được học hành, ông kiên trì vận động dân làng khai khẩn đồi hoang thành ruộng nương, dựng nhà cửa để an cư lạc nghiệp. Nhờ đó, nhà nhà no ấm, con cái được học hành, sau dần nơi đây ngày càng đông vui. Ông mất, dân làng lập đền thờ và tôn ông là thành hoàng, triều đình sắc phong là phúc thần.
Bài viết “Chuyện cụ đồ Quỳnh” nói về là một người con chí hiếu, ngoài dạy học còn giúp vợ làm hàng và hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc mẹ bị bệnh. Tính thầy đồ Quỳnh cương trực nên bị Lý trưởng ganh ghét, cáo quan rằng thầy “muốn làm loạn”. Bị giam, thầy quyết không ăn cơm tù, không sợ hãi, vẫn ung dung làm thơ. May có quan phủ Nguyễn Khánh Đức thử tài, biết được nhân cách chính trực của thầy nên quan đã tha bổng. Về sau, chứng kiến nhiều người làng nhà nghèo bệnh nặng, cụ đồ tự đọc, nghiên cứu kỹ về thuốc nam và trở thành lương y bốc thuốc chữa bệnh cứu dân.
Cuốn sách cũng có nhiều bài viết về những con người giản dị, ứng xử hợp đạo lý, yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, như “Ông phở Tứ – ân nhân của tôi”, “Tấm lòng mẹ Cường”, “Bà cả Mọc – Tổ nghề mẫu giáo Việt Nam”, “Bát cháo cá trê nấu sắn ấm tình người”, “Ân tình từ một khu tập thể cũ”… Trong bài viết “Phác thảo người Hà Nội tử tế” tác giả Trần Văn Mỹ chia sẻ: “Nét thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện sinh động qua muôn vàn câu chuyện mà tôi chứng kiến trên các nẻo đường Hà Nội. Các nhân vật tôi kể trong bài viết đều đã về thế giới bên kia nhưng những việc làm bình dị và tiếng nói ân tình của những người thân yêu ấy tôi vẫn ghi nhớ trong lòng…”.
Những bài học quý về ứng xử thanh lịch, tử tế của người Hà Nội mang đậm tính minh triết và quy luật ở đời mà cuốn sách “Chuyện người Hà Nội” mang lại thật sự bổ ích cho độc giả, nhất là thế hệ trẻ.
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 28,5 ngày
- Gặp mặt kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII phải thực sự xứng tầm, thể hiện được ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến
- Tổ chức trọng thể Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII
- Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 21/10